Khám phá những thực phẩm nên ăn để hỗ trợ sự phát triển trí tuệ của trẻ trong bụng mẹ.
Tác giả bài viết: |
Ths. BS Lê Thị Hải (Nguyên Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng quốc gia) |
Trước tiên, chúng ta cần biết những dưỡng chất nào giúp trẻ thông minh và các dưỡng chất này có trong những loại thực phẩm nào mà các mẹ bầu nên biết mình cần phải ăn gì?
Ngày nay, khoa học đã chứng minh những dưỡng chất sau đây ảnh hưởng rất nhiều đến phát triển trí não của trẻ:
1. Các Axit béo omega 3
Omega 3 là một nhóm các axit béo không no có nhiều nối đôi, và nối đôi cần nhất ở vị trí carbon thứ 3, mà cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được, phải bổ sung thông qua thực phẩm gồm: DHA, EPA, AA,…
– DHA (viết tắt của Docosahexaenoic axit) là axit béo không no chuỗi dài có 22 carbon và chứa 6 nối đôi, còn EPA (viết tắt của Eicosapentaenoic axit) là axit béo không no chuỗi dài có 20 carbon và chứa 5 nối đôi.
– DHA có vai trò quan trọng trong cơ thể, chiếm tới 1/4 lượng chất béo trong não, chiếm tỷ lệ rất cao trong chất xám của não và võng mạc, nằm trong thành phần cấu trúc của màng tế bào thần kinh, nên người ta còn gọi DHA là “gạch xây cho não”.
– DHA tạo ra sự dẻo dai của các nơ-ron thần kinh, tăng sự dẫn truyền thông tin nhanh và chính xác. DHA cần thiết cho việc hình thành các nơ-ron thần kinh, vận chuyển glucose để cung cấp năng lượng cho não bộ. DHA còn cần thiết cho phát triển hoàn thiện chức năng nhận của mắt, sự phát triển hoàn hảo của hệ thần kinh, 93% tế bào võng mạc có thành phần là DHA.
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ DHA giúp phụ nữ mang thai giảm thiểu được các bệnh lý như tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, trầm cảm sau sinh… Sức đề kháng và hoạt động tim mạch của bà bầu cũng tăng lên khi được bổ sung đầy đủ DHA trong thời gian mang thai. EPA giúp tăng cường tốc độ dẫn truyền thần kinh và chống viêm.
Nguồn thực phẩm thêm để bổ sung các axit béo omega 3 này chính là cá biển: Như cá hồi, cá ngừ, cá mòi, bên cạnh đó tỷ lệ DHA/EPA trong các loại cá này cũng gần với tỷ lệ DHA và EPA trong sữa mẹ nên được coi là nguồn bổ sung omega 3 lý tưởng cho phụ nữ mang thai. Cấu trúc của axit béo có trong cá tương tự như cấu trúc chất béo trong cơ thể chúng ta, nên chúng dễ dàng được hấp thu hơn. Vì vậy các bà bầu hãy ăn cá ít nhất 3 lần/tuần để giúp em bé phát triển não bộ tốt nhất từ khi còn trong bụng mẹ.
Bên cạnh việc ăn cá, các mẹ bầu cũng có thể ăn các loại dầu thực vật: dầu oliu, dầu hạt cải, dầu hạt lanh… ăn các loại hạt như hạt bí, hạt hương dương, hạt dẻ cũng là nguồn cung cấp các chất béo chưa no là chất tiền DHA khi vào trong cơ thể cũng được tổng hợp thành DHA, EPA.
2. Protein
Là thành phần quan trọng xây dựng cấu trúc cơ thể, tham gia thành phần cấu trúc các enzyme, là thành phần kháng thể giúp cơ thể bà bầu khỏe mạnh, mẹ có khỏe thì con mới khỏe mạnh, mà thai nhi có khỏe mạnh thì thông minh được cho nên đầy là chất dinh dưỡng không thể thiếu cho bà bầu lúc mang thai.
Đặc biệt chứa đựng các axit amin như cholin, taurin là những chất quan trọng tham gia dẫn truyền thần kinh cực kỳ cần thiết cho sự ghi nhớ của não bộ. Trứng, sữa, sữa chua… thực phẩm giàu protein, giàu cholin mà mẹ bầu nên ăn hàng ngày. Đặc biệt trứng là thực phẩm giàu cholin nhất, muốn con thông minh mẹ nên ăn 1 -2 quả trứng gà mỗi ngày.
Thịt các loại là những thực phẩm giàu protein, giàu cholin mà mẹ bầu nên ăn hàng ngày. (Ảnh minh họa)
3. Sắt và Axit folic
Là hai thành phần quan trọng tạo máu, khi mẹ thiếu máu do thiếu sắt trẻ sẽ bị sinh non suy dinh dưỡng bào thai ảnh hưởng đến phát triển trí não. Sắt đóng vai trò đưa oxy đến các tế bào não, thiếusắt sẽ khiến não trẻ chậm phát triển.
Axit folic, còn được gọi là vitamin B9, là vi chất không thể thiếu trong quá trình phát triển của thai nhi, giúp thai nhi tổng hợp AND trong 3 tháng đầu và còn giúp ngăn ngừa khiếm khuyết ống thần kinh cũng như dị tật tim, sứt môi, hở hàm ếch ở trẻ…
Axit folic cực kỳ quan trọng trong tổng hợp tế bào thần kinh của trẻ, đặc biệt là tế bào ở ống thần kinh. Một nghiên cứu chỉ ra rằng những phụ nữ mang thai bổ sung 400mcg acid folic mỗi ngày trước khi mang thai 4 tuần và 8 tuần đầu của thai kỳ giúp giảm 70% nguy cơ khiếm khuyết tật ống thần kinh và hạ 40% nguy cơ trẻ sinh ra bị tự kỷ.
Những thực phẩm giàu Acid folic. (Ảnh minh họa)
Nguồn thực phẩm bổ sung thêm acid folic là các loại rau xanh đậm như súp lơ xanh, rau bina (cải bó xôi hay rau chân vịt). Nguồn cung cấp sắt là: Thịt bò, trứng, gan, tim, bầu dục, các loại đậu, đậu, lạc vừng.
4. I-ốt
Là vi chất quan trọng để tổng hợp hocmon tuyến giáp, khi thiếu i-ốt trong thời kỳ mang thai, thai nhi dễ mắc bệnh suy giáp trạng bẩm sinh dẫn đến bị đần đột vì vậy mẹ bầu nên ăn các cca thực phẩm giàu i-ốt như rong biển, hải sản: ngao, hàu và bổ sung thêm muối hoặc bột canh có bổ sung i-ốt.
I-ốt – Là vi chất quan trọng để tổng hợp hocmon tuyến giáp. (Ảnh minh họa)
5. Vitamin D
Theo một số nghiên cứu, thiếu vitamin D trong thời kỳ mang thai có thể cản trở sự phát triển não bộ cũng như khả năng trí tuệ và vận động của trẻ. Vitamin D có nhiều trong phô mai, trứng, gan cá, sữa có bổ sung vitamin D, quan trọng nhất mẹ bầu nên phải nắng ngày 15 – 20 phút.
Thiếu vitamin D trong thời kỳ mang thai có thể cản trở sự phát triển não bộ cũng như khả năng trí tuệ và vận động của trẻ. (Ảnh minh họa)
6. Các chất chống oxy hóa
Giúp hỗ trợ và bảo vệ mô não trong quá trình phát triển của thai nhi, các chất chống oxy hóa này chính là các vitamin và khoáng chất như: Vitamin C, betacroten, vitamin E, se len, kẽm,…có nhiều trong các loại quả chín mọng như hạt cam quýt, dâu tây, cà chua,quả việt quất, nho.
Và trong các loại rau xanh đậm: rau ngót, rau muống, rau dền, mồng tơi…selen có nhiều trong tỏi, kẽm có nhiều trong hàu, ngao, thịt gà, đậu đậu đẫn… Vì vậy mẹ bầu nên ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi hàng ngày.
Top 10 thực phẩm chống oxy hóa. (Ảnh minh họa)
Trong thời gian thai kỳ, tất cả những dưỡng chất mẹ nạp vào cơ thể đều ảnh hưởng đến sự phát triển của con. Mẹ có khỏe mạnh thì con mới khỏe mạnh và thông minh được, cho nên một chế độ dinh dưỡng cân bằng đầy đủ các vitamin và khoáng chất: Sắt, kẽm, protein, vitamin, axit béo omega 3… để bé thực sự thông minh khỏe mạnh khi chào đời.