Khám phá thời điểm thích hợp để trẻ bắt đầu làm quen với tiếng Anh và những lợi ích quan trọng cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Nên cho bé làm quen với tiếng Anh từ khi nào?

Không có một thời điểm tiêu chuẩn nào cho việc này. Thực tế, bé tiếp thu tiếng Anh rất tốt ngay từ 1 – 2 tuổi. Tuy nhiên, cũng có bé đến độ tuổi tiểu học mới bắt đầu làm quen với tiếng Anh. Bạn cần xác định bằng cách quan sát và thử nghiệm qua các hình thức khác nhau. Nếu con tiếp thu tốt thì bạn tiếp tục dạy con tiếng Anh. Nếu không tốt, bạn có thể tạm ngưng chờ thời điểm thích hợp khác.

Các độ tuổi có thể cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh

• Khi 1 – 2 tuổi hay trong giai đoạn tập nói, bé đang phát triển ngôn ngữ đầu đời nên có khả năng tiếp thu tiếng Anh một cách tự nhiên và nhanh chóng. Vì vậy, bạn cũng nên dạy con sớm. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ ở giai đoạn này hình thành kỹ năng nói có thể khiến bé bị rối loạn ngôn ngữ, dần đến chậm nói. Do đó, bạn cũng cần cân nhắc trong việc cho con làm quen với tiếng Anh trong giai đoạn sớm này.

• Khi bé ở độ tuổi mầm non (2 – 5 tuổi), đây là một giai đoạn tốt để bắt đầu cho bé làm quen với tiếng Anh. Trong 2 đến 5 năm đầu này, khả năng và thái độ học tập dần hình thành ở bé. Vì vậy, nếu có điều kiện, bạn nên cho con làm quen với tiếng Anh để giúp con học tập hiệu quả hơn.

• Khi bé bước vào tiểu học, thời điểm này là giai đoạn cần thiết cho con học tiếng Anh. Vì vậy, hiện nay, tiếng Anh đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở các trường tiểu học trong nhiều năm gần đây.

Lợi ích của dạy trẻ làm quen với tiếng Anh từ sớm

Việc bé làm quen với tiếng Anh sớm có nhiều lợi ích như:

1. Giúp phát triển trí tuệ và các kỹ năng

Khi làm quen tiếng Anh từ sớm, bé có khả năng phát triển kỹ năng ngôn ngữ một cách tự nhiên. Con nhạy bén hơn trong nghe, nói, đọc và viết. Học tiếng Anh từ sớm, bé có thể nói để diễn đạt ý kiến, suy nghĩ và cảm xúc của mình bằng tiếng Anh. Điều này giúp bé phát triển kỹ năng nói trôi chảy, tự tin và khả năng diễn đạt ý kiến một cách rõ ràng.

2. Tạo tiền đề tốt cho việc học sau này của con

Dạy trẻ làm quen với tiếng Anh từ sớm tạo tiền đề để học tập tốt sau này. Bé sẽ học ngôn ngữ khác hoặc môn học khác dễ dàng hơn, có khả năng chuyển đổi giữa các ngôn ngữ và thường học tốt hơn trong nhiều lĩnh vực.

Tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế nên được sử dụng rộng rãi khắp nơi trên thế giới. Khi làm quen với tiếng Anh từ sớm, bé có thể tiếp cận với tài liệu học tập như sách, bài viết, nghiên cứu và thông tin từ các nguồn tiếng Anh. Điều này mở rộng phạm vi kiến thức và giúp bé phát triển kỹ năng đọc, nghiên cứu tài liệu và tiếp thu tri thức mới khi lớn lên.

3. Khơi gợi sự hứng thú, sáng tạo của bé

Ngoài tiếng mẹ đẻ, nếu cho bé tiếp xúc với ngôn ngữ mới, có thể làm bé tò mò và thích thú. Bé sẽ khám phá những câu chuyện, trò chơi, bài hát, phim hoạt hình và nhiều tài liệu học tập khác bằng tiếng Anh. Điều này giúp bé mở rộng tâm lý, truyền cảm hứng và khai thác nguồn ý tưởng sáng tạo.

Nguyên tắc khi cho bé làm quen với tiếng Anh

Dạy bé làm quen với ngôn ngữ mới không hề đơn giản. Bạn nên chú ý tới một số nguyên tắc cơ bản như:

1. Học mà chơi, chơi mà học

Đối với trẻ nhỏ ham chơi hơn ham học, việc bé làm quen với tiếng Anh nên được kết hợp với các hoạt động vui chơi. Bạn có thể sử dụng bài hát, nhạc cụ, bảng từ vựng, tranh ảnh và đồ chơi tiếng Anh khi dạy con. Điều này giúp quá trình học trở nên thú vị và hấp dẫn. Bé sẽ tham gia học tích cực hơn.

2. Áp dụng phương pháp tiếng Anh thực dụng

Đối với trẻ nhỏ, ban đầu bạn nên cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh một cách thực dụng, tự nhiên (tiếng Anh tiềm thức). Bạn có thể cho bé bắt đầu bằng cách nghe và làm quen với âm thanh, từ vựng tiếng Anh.

Bạn cũng có thể cho con đọc sách tiếng Anh, nghe nhạc, xem phim hoạt hình tiếng Anh và các tài liệu giáo dục phù hợp với độ tuổi của con. Khi con đã quen thuộc hơn, bạn có thể chuyển sang các hoạt động tương tác và thực hành.

3. Khuyến khích động viên liên tục

Để bé cảm thấy hứng thú với tiếng Anh, bạn hãy liên tục động viên và khuyến khích con học. Khen ngợi con khi bé có những nỗ lực và tiến bộ trong việc học tiếng Anh. Tạo ra một môi trường học tập thoải mái và không áp lực. Bé có thể thoải mái trong việc thử và mắc lỗi. Đây là cách tạo động lực và tăng cường sự tự tin khi bé làm quen với tiếng Anh.

Cách giúp bé làm quen với tiếng Anh dễ nhất

Dưới đây là một số phương pháp đơn giản mà bạn có thể áp dụng để dạy con tiếng Anh:

1. Cho bé làm quen với tiếng Anh chữ cái

Bắt đầu từ việc học chữ cái tiếng Anh, bạn có thể giới thiệu cho bé các âm thanh và hình ảnh liên quan đến các chữ cái. Ví dụ, chữ A trong apple (quả táo). Sử dụng các tài liệu học chữ cái tiếng Anh như sách, flashcard hoặc đồ chơi giúp bé nhắc thấy và nghe các âm tiếng Anh. Chơi các trò chơi tương tác để bé nhớ các chữ cái và âm thanh tương ứng.

2. Cho bé làm quen với tiếng Anh chữ số

Tương tự như học chữ cái, bạn hãy giới thiệu cho bé các chữ số tiếng Anh từ 1 đến 10. Bạn sử dụng flashcard, bảng số hoặc đồ chơi để bé nhớ thấy và nghe các số tiếng Anh. Tạo các hoạt động đếm như đếm đồ chơi, đếm các vật thể xung quanh. Bé sẽ được thực hành sử dụng các số tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày.

3. Học tiếng Anh qua bài hát

Bé học tiếng Anh qua bài hát là một cách tuyệt vời để giúp bé làm quen với tiếng Anh. Bạn có thể chọn các bài hát vui nhộn, có giai điệu dễ nhớ và lời đơn giản. Hãy hát cùng bé và sử dụng hình ảnh, động tác hoặc flashcard để minh họa từ vựng và ngữ pháp trong bài hát. Bé sẽ hứng thú và nhớ lâu hơn qua việc hát và vui chơi.

Một số bài hát tiếng Anh cho bé, bạn có thể tham khảo như Bingo, The Alphabet Song, Counting 1-10 Song… Bạn không nên mở bài hát và để con xem một mình, mà hãy tham gia cùng con vì bé sẽ nhanh bắt chước theo cha mẹ hơn là làm theo video.

Giúp bé làm quen với tiếng Anh là điều mà bạn nên quan tâm và dành thời gian nghiên cứu. Bạn cần chú ý rằng mỗi bé có cách học và tiếp thu riêng. Bạn nên quan sát và lắng nghe bé để điều chỉnh phương pháp học phù hợp với nhu cầu và khả năng của bé. Bằng cách tạo một môi trường yêu thương và hỗ trợ, bé sẽ dễ dàng làm quen với tiếng Anh hơn. Con cũng sẽ tiến bộ từng ngày trong việc học ngôn ngữ mới này.