Rong Kinh Kéo Dài: Nguy Cơ Vô Sinh Ở Phụ Nữ Đang Trong Độ Tuổi Sinh Sản

Spread the love

Rong kinh kéo dài có thể gây ra nhiều phiền toái cho phụ nữ, đặc biệt là trong thời kỳ sinh sản.


Mệt mỏi vì bị rong kinh kéo dài

Chị Ngô Thị Tuyết (29 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) đã cảm thấy sự phiền toái mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt. Theo lời chị Tuyết, trước đây, khi chưa lấy chồng, kinh nguyệt của chị rất đều, chu kỳ bình thường dao động trong khoảng 28-30 ngày. Tuy nhiên, kể từ khi sinh con, chị mắc phải chứng rong kinh kéo dài, gây rất nhiều phiền toái đối với sinh hoạt hàng ngày của chị.


“Cứ đến kỳ kinh là tôi lại thấy sợ. Tình trạng máu ra rất nhiều, đôi lúc đọng thành cục có màu đen. Nhiều lần, dù tôi đã dùng đệm bằng vệ sinh ban đêm loại siêu dày, tôi vẫn hoảng khi thấy máu thấm ướt đệm, Kể từ đó, mỗi lần đến ngày “đèn đỏ”, tôi thường phải dùng miếng tã dành cho “chống lật”, nhất là trong ba ngày đầu chu kỳ”

, chị Tuyết chia sẻ.

Chị Tuyết cho biết thêm, hiện tại, một chu kỳ kinh nguyệt của chị thường kéo dài đến hai tuần. Điều này khiến chị vô cùng mệt mỏi. Không những thế, kỳ kinh kéo dài cũng làm chị mất tự tin, mặc cảm, không dám “gần gũi” với chồng.

Theo BS sản khoa Lê Thị Kim Dung (Trung tâm Y khoa Thái Hà), rong kinh hay còn gọi là rong huyết là hiện tượng chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày hoặc lượng máu mất quá nhiều vượt quá 80ml/chu kỳ. Đôi khi, máu kinh đọng thành từng cục lớn, có màu đỏ sẫm hoặc khiến chị em bị đau bụng dưới, đau lưng, mệt mỏi, chóng mặt…

Rong kinh hay gặp ở tuổi dậy thì và thời kỳ tiền mãn kinh của phụ nữ. Trong độ tuổi sinh sản, rong kinh thường xuất hiện nhất là sau khi sinh, sau khi dùng thuốc phá thai hoặc dùng các loại thuốc tránh thai, nhất là thuốc tránh thai khẩn cấp. Đặc biệt, rong kinh tập trung ở những phụ nữ có nguy cơ cao bị béo phì, sinh con nhiều lần, tăng cân, hút thuốc lá, đái tháo đường, suy giáp, rối loạn đông máu, viêm gan, bệnh tim, thận…

Bên cạnh đó, rong kinh còn có thể là triệu chứng của một số bệnh ở tử cung hoặc buồng trứng như: U xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung, polyp tử cung, buồng trứng đa nang,… Nếu không được điều trị sớm sẽ gây nhiều biến chứng đối với sức khỏe sinh sản của chị em phụ nữ.


Cẩn trọng với các hệ lụy nghiêm trọng

Cùng theo BS Lê Thị Kim Dung, rong kinh ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và sức khỏe của chị em phụ nữ hàng ngày. Về mặt tâm lý, chị em luôn có cảm giác khó chịu, mất tự tin thêm khi đến kỳ kinh nguyệt. Còn về sức khỏe, rong kinh nếu để kéo dài gây mất máu dẫn đến bệnh thiếu máu với các triệu chứng mệt mỏi, khó thở. Bên cạnh đó, máu kinh ra nhiều ngày, nếu không được vệ sinh sạch sẽ, sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập dẫn đến viêm nhiễm sinh dục. Vi khuẩn sẽ lan ngược từ âm hộ vào âm đạo, vào buồng tử cung và có thể liên quan đến trứng gây viêm phần phụ, thậm chí gây vô sinh sau này.

Trên thực tế, nhiều chị em phụ nữ bị rong kinh nhưng chủ quan không chữa trị kịp thời đã gặp phải những biến chứng đáng tiếc xảy ra. Điển hình, trường hợp bệnh nhân N.T.M (46 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) được gia đình đưa đến viện Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong tình trạng đau bụng, rong kinh kéo dài. Theo lời bệnh nhân M, thời điểm đó chị bị rong kinh kéo dài lên đến 20 ngày, máu ra nhiều có cục, kèm theo đó là hiện tượng đau bụng. Chị M được bác sĩ chỉ định cho siêu âm tử cung và phần phụ, qua siêu âm phát hiện chị M có khối u xơ tử cung nặng gần 2kg kèm theo đó là bị quá sản niêm mạc tử cung. Bệnh nhân đã được chỉ định phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn để loại bỏ khối u.

Hoặc cuối tháng 2 vừa qua, Khoa Phụ sản (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới, Quảng Bình) đã tiếp nhận bệnh nhân N.T.X (38 tuổi, trú tại Tây Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) trong tình trạng thiểu máu nặng do rong kinh kéo dài trong 6 tháng. Bệnh nhân được các bác sĩ khám và chẩn đoán u xơ tử cung độ 0 và cho toàn bộ âm đạo. Bệnh nhân được truyền 4 đơn vị máu và tiến hành phẫu thuật lấy khối u xơ kích thước 10x11cm.

Theo các bác sĩ, tình trạng rong kinh xảy ra ở mỗi người là khác nhau, nguyên nhân gây bệnh không giống nhau nên việc điều trị cũng tùy thuộc vào từng người. Có trường hợp rong kinh nhẹ với số lượng ít, chưa đáng ngại, người bệnh có thể uống thuốc chữa progestogen để điều trị. Tuy nhiên, nếu hiện tượng rong kinh lặp đi lặp lại với số lượng huyết ra nhiều, gây đau đớn, người bệnh cần đi khám để được điều trị đúng cách. Trong nhiều trường hợp, việc tự điều trị rong kinh tại nhà có thể tiềm ẩn nguy cơ gây biến chứng cho sức khỏe của chị em.

Bạn nên đi điều trị theo hướng dẫn dặn của bác sĩ, trong chế độ ăn hàng ngày nhất là trong những ngày “đèn đỏ”, chị em phụ nữ cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Mỗi bữa ăn chính phải đủ các nhóm tinh bột, đạm, béo, rau và trái cây. Đặc biệt, ưu tiên chọn các thực phẩm giàu sắt như: Gan, thịt đỏ (bò, trâu), thịt gia cầm (gà, vịt), hải sản, trứng, rau có màu đậm… Ngoài ra, để phòng thiếu sắt do mất máu nhiều mỗi chu kỳ kinh nguyệt, chị em có thể bổ sung viên sắt. Nên dùng loại chứa 60 mg sắt nguyên tố, mỗi ngày một viên trong vòng một tuần khi đang hành kinh.

Để phòng ngừa các bệnh lý nguy hiểm, các chuyên gia khuyến cáo, chị em phụ nữ nên thường xuyên khám sức khỏe theo định kỳ để tầm soát, phát hiện và điều trị sớm nếu có dấu hiệu của bệnh. Với phụ nữ sau mãn kinh có triệu chứng ra máu âm đạo bất thường thì cần phải đi khám ngay để được chẩn đoán, xử lý ở giai đoạn sớm để có kết quả điều trị tốt nhất.

Back To Top