Bài viết chia sẻ trải nghiệm về việc nhập viện của mẹ Bĩnh Dương do xuất huyết sau khi quan hệ sau sinh con thứ hai.
Tôi đã phải nhập viện khi quan hệ với chồng sau sinh con khoảng 1 tháng. Nay tôi sắp có con lần thứ hai, tôi rất sợ sự cố lại xảy ra…
Bạn đọc Ng.T.A.Nh. (nữ, 30 tuổi, Bình Dương), hỏi:
2 năm trước sau khi sinh con (sinh thường) việc quan hệ vợ chồng của hai chúng tôi bắt đầu vô cùng khó khăn, tôi phải nhập viện vì chảy máu sau khi quan hệ lần đầu khoảng 1 tháng sau sinh. Nay tôi chuẩn bị sinh cháu thứ 2 và rất sợ điều đó xảy ra. Tôi nên làm sao, mong bác sĩ tư vấn giúp vì sao lần trước chúng tôi gặp tai nạn đó và phải làm sao để tránh?
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản TP HCM, trả lời:
Tai nạn mà vợ chồng bạn đã gặp không phải hiếm gặp, được gọi là tình trạng rách cùng đồ âm đạo (Cul de sac – còn gọi là tủy cùng âm đạo).
(Ảnh do bác sĩ tư vấn cung cấp)
Tình trạng rách cùng đồ trước hoặc sau bị thường, rách do tác động cơ học, thường là do các động tác giao hợp, do sử dụng dụng cụ tình dục (sex toys) không an toàn hoặc do chấn thương khác gây tổn thương âm đạo. Rách cùng đồ thường gặp trong những trường hợp sau:
– Quan hệ tình dục hoặc thủ dâm ở tuổi vị thành niên (do cơ quan sinh dục còn chưa phát triển đầy đủ) hoặc người cao tuổi (do mãn kinh, thành âm đạo teo mỏng).
– Quan hệ tình dục theo những tư thế không phù hợp (hay gặp ở tư thế từ phía sau), động tác thô bạo.
– Quan hệ tình dục ở phụ nữ sau sinh quá sớm hoặc quá mạnh bạo (trước 6 tuần sau sinh, bộ phận sinh dục còn sung huyết, mềm và dễ tổn thương hơn người bình thường)
Rách cùng đồ nói riêng và các tổn thương khác của vùng âm hộ – âm đạo có thể gây chảy máu rất nhiều, nếu không xử lí kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhất là có những trường hợp nặng nề về phục tạp có thể gây tổn thương ruột, trực tràng, bàng quang, nhiễm trùng ổ bụng…
Về lâu dài tai nạn này có thể gây khó khăn cho việc quan hệ tình dục về sau nếu không được xử lí đúng, gây tâm lý sợ hãi việc quan hệ tình dục, giảm ham muốn hoặc lãnh cảm ở phụ nữ…
Để phòng tránh, vợ chồng bạn nên kiêng giao hợp trong thời gian hậu sản của vợ (6 tuần, cả sinh thường và sinh mổ), nếu vợ có những tổn thương, vết rách/may vùng âm hộ và tầng sinh môn phục tạp mà chưa lành tốt thì phải kiêng lâu hơn và hỏi bác sĩ cụ thể khi nào có thể giao hợp trở lại. Tốt nhất là tái khám lại trước khi giao hợp lại lần đầu.
Trong lần giao hợp đầu tiên sau sinh, cặp đôi cần chú ý động tác nhẹ nhàng, dùng thêm dịch bôi trơn nếu âm đạo thiếu dịch nhờn và tránh những tư thế bất thường, gây đau hoặc gây khó chịu cho cả 2 người.
Người chồng cần có sự quan tâm, an ủi, động viên để vợ mình không còn lo âu, sợ hãi hoặc ám ảnh về tai biến như lần trước.